Lo giá bất động sản hạ nhiệt vì dịch, nhà đầu tư ngậm ngùi bán tháo
Lo giá bất động sản “hạ nhiệt" vì dịch, nhà đầu tư ngậm ngùi bán tháo; “Đại gia" địa ốc đua nhau phá sản, nhiều nơi rơi vào cảnh “ngủ đông"... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Trước tâm lý lo ngại về dịch bệnh bùng phát, kéo dài, nhiều nhà đầu tư bắt đầu nản chí và quyết định bán tháo, thu hồi vốn . Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, xu hướng bán tháo, cắt lỗ sản phẩm ở nhiều loại hình, phân khúc đã diễn ra từ đầu năm và tăng mạnh vào sau Tết khi dịch bệnh bùng phát.
Anh Văn Ánh, môi giới bất động sản khu vực Hà Đông cho biết, thời điểm này có khá nhiều nhà đầu tư gọi điện nhờ anh “đẩy hàng". Theo anh này, giá cả họ đưa ra có phần “mềm” hơn so với thời điểm cuối 2019.
Chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, ở thời điểm này nhà đầu tư đã và đang nắm giữ nhiều bất động sản cần cơ cấu lại danh mục xem bất động sản nào nên giữ, nên bán hoặc nếu sản phẩm đó kinh doanh được thì cần phải dựa trên mục tiêu, mong muốn và đặc biệt là nguồn tiền của các nhà đầu tư.
Thị trường bất động sản 2020 chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19
“Đại gia" địa ốc đua nhau phá sản, nhiều nơi rơi vào cảnh “ngủ đông"
Báo cáo quý 1/2020 vừa công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy bức tranh với nhiều gam màu tối của thị trường bất động sản .
Cụ thể, về tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết có 11/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng.
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với mức tăng lên tới 69%. Bên cạnh đó, trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chọn cách "ngủ đông" để cố gắng cứu vãn tình hình.
Sốt đất ở Hòa Lạc: Vẫn ùn ùn bất chấp cảnh báo, chính quyền vào cuộc
Mặc dù đại dịch hoành hành, khu vực xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội vẫn đông đúc, nhộn nhịp các nhà đầu tư đến tìm kiếm mua đất bất chấp nhiều cảnh báo từ các chuyên gia việc “lướt sóng" ở những khu vực có tin đồn dự án như thế này.
Trao đổi với với PV về tình trạng “sốt nóng" nêu trên, ông Nguyễn Đình Nghi - Phó chủ tịch UBND xã Đồng Trúc cho biết, vừa qua có tình trạng một số người dân, nhà đầu tư bất động sản kéo về khu vực Quan Giai (Đồng Trúc) để mua bán, giao dịch đất nền. Đây là đất giãn dân được cấp cho 67 hộ từ năm 2007.
Ông Nghi lý giải, hiện tượng sốt nóng một cách bất thường như vậy là do “dân tình họ nghe nói có một tập đoàn lớn đang có chủ trương xin về Thạch Thất để đầu tư khu đô thị Đồng Trúc và địa bàn giáp ranh”.
Tuy nhiên vị lãnh đạo xã lại khẳng định, hiện nay khu vực này theo quy hoạch nông thôn mới thì vẫn là đất sản xuất nông nghiệp.
Ảnh hưởng nặng từ Covid-19, nhà đầu tư chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn
Trước tình hình thị trường bất động sản ế ẩm kéo dài nhiều tháng nay, cộng với dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều nhà đầu tư đã không còn trụ vững, khi nguồn tài chính chủ yếu đi vay, đã phải ngậm ngùi chấp nhận bán lỗ để mong thu hồi vốn.
Thị trường đất nền vùng ven TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai thời gian qua từng được xem là kênh đầu tư đem lại lợi nhuận của giới địa ốc giai đoạn 2017-2019.
Thế nhưng, vào đầu năm 2020, cũng giống như các phân khúc khác, thị trường đất nền bắt đầu lao dốc khi phải chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà đầu tư “ngấm đòn”, chấp nhận cắt lỗ bán tháo để mong thu hồi vốn.
Nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
Bất động sản mùa dịch, sẵn tiền mua nhà lúc giá hời
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhận định bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền , đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững như thực tiễn đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường bất động sản các năm 2008, 2011.
“Người dân và doanh nghiệp có niềm tin là đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, khống chế hiệu quả (tương tự như dịch SARS năm 2002-2003) và nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại ngay sau khi chấm dứt đại dịch”, ông Châu nói.
Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã chủ động ứng phó tốt với dịch bệnh. Trước khi dịch bệnh xảy ra, Việt Nam được HSBC Expat bình chọn là top 10 nơi làm việc tốt nhất cho chuyên gia nước ngoài trong một cuộc khảo sát cuối năm 2019.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp địa ốc vì đại dịch: Đề xuất cách cứu nguy
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam mới đây có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế về việc xin gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ứng phó và vượt qua khó khăn trước thách thức của đại dịch Covid -19.
Theo Vnrea, dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội và tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Đi đôi với tổng cầu giảm, giá dầu giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đảo lộn, làm cho nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nội địa, trong đó có thị trường bất động sản.
“Nhiều cổ phiếu bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn. Đại dịch COVD-19 đã tạo ra những thách thức rất to lớn đối với ngành bất động sản, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản”, Vnrea cho biết.
Theo: Dân trí